Trà xanh: Những lợi ích nổi bật đối với sức khỏe, sắc đẹp
Trà xanh, hay chè xanh là loại cây được sử dụng phổ biến ở nước ta. Theo các tài liệu, trà xanh được người Trung Quốc dùng lần đầu tiên sử dụng vào khoảng năm 2737 trước Công nguyên. Hiện nay, trà xanh được sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Nhiều lợi ích của trà xanh đã được ghi nhận. Ora sẽ tóm tắt những tác dụng này trong bài viết dưới đây.
1. Mô tả cây trà xanh
Trà xanh, hay chè xanh, có tên khoa học là Camellia sinensis O.Ktze. Trà xanh thuộc gia đình họ Chè Theaceae.
Trà xanh là một cây rất khỏe. Nếu mọc hoang trong tự nhiên và không được cắt tỉa thì có thể cao đến 10m, thân lớn hơn một người ôm. Ví dụ như những cây chè cổ thụ Shan Tuyết hàng trăm năm tuổi ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.
Trà xanh khi được con người trồng, chăm sóc được cắt gọn tiện cho việc thu hái thì chiều cao thường chỉ khoảng 2 mét. Nhiều cành được chia ra ngay từ gốc. Lá trà mọc so le, thường không rụng lá. Hoa trà thường to, có màu trắng, mọc ở nách lá. Hoa có mùi rất thơm, nhiều sợi nhị màu vàng. Quả trà là một quả nang, thường chia 3 ngăn, chỉ có 1 hạt chính to lên, còn các hạt khác teo đi. Hạt không có phôi nhũ, nhưng lá mầm lớn và có chứa dầu.
2. Cách thu hoạch, chế biến trà xanh
Phần thường được sử dụng là búp và lá non để uống tươi, phơi khô làm trà khô, làm thuốc, …
Trà có sẵn ở ba dạng chính — trà xanh, trà ô long và trà đen — tùy thuộc vào mức độ chất chống oxy hóa hiện có và mức độ lên men. Trà dùng làm thuốc là trà xanh. Thường hái vào mùa xuân và chọn những búp và lá non. Người ta đem đi vò và sao khô giống như loại trà thường được pha nước uống. Còn trà đen và trà ô long thì không dùng làm thuốc, bởi vì trà này đã được lên men rồi mới đem đi sấy.
Ngày nay, trà xanh còn được sử dụng trong liệu pháp điều trị bằng hương thơm (aromatherapy). Người ta chọn những lá trà non, quả trà để chiết xuất ra tinh dầu trà xanh. Tinh dầu thu được có mùi thơm nhẹ, đặc trưng của trà xanh.
3. Thành phần hóa học của trà xanh
- Trà xanh chủ yếu bao gồm polyphenol (90%), axit amin (7%), theanine, proanthocyanidins và caffeine (3%). Trà xanh chủ yếu bao gồm catechin, trong khi trà đen chủ yếu chứa tannin.
- Trong số các polyphenol khác nhau, catechin và flavonols (myricetin, caempherol, quercetin, axit chlorogenic, axit coumarylquinic và theogallin) là những thành phần chính. Loại polyphenol có trong trà sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ lên men.
- Catechin (C), epicatechin (EC), gallocatechin (GC), epigallocatechin (EGC), epicatechin gallate (ECG), epigallocatechin gallate (EGCG) và gallocatechin gallate (GCG) là những catechin chính có trong trà xanh. Trong số này, EGCG, ECG và EGC chiếm 80% tổng số catechin. Đây là thành phần nổi tiếng trong các quảng cáo sản phẩm nước uống trà xanh.
- Caffeine trong lá trà dao động từ 2 đến 5%. Tùy thuộc vào độ tuổi của lá, trong đó những lá non sẽ có nồng độ cao hơn.
- Các khoáng chất khác nhau như florua, mangan, crom, selen, canxi, magiê và kẽm. Nồng độ khác nhau tùy thuộc vào quá trình lên men, độ tuổi và kích thước của lá trà.
4. Những công dụng của trà xanh
4.1. Chống lại tia UV
Sự suy giảm của tầng ôzôn giúp cho tia UV xâm nhập vào trái đất dễ dàng. Tiếp xúc thường xuyên, liên tục với tia UV sẽ gây ra lão hóa, ung thư ở da người. Các biểu hiện có thể là bỏng rát, sạm da, lỏng lẻo các sợi collagen và elastin làm da chùng nhão và giảm tính toàn vẹn của da. Tình trạng này gọi là lão hóa da do ánh nắng mặt trời – photoaging.
Chúng ta có thể thoa kem chống nắng để bảo vệ da bằng cách hấp thụ hoặc phản xạ tia UV. Tuy nhiên, việc thoa kem chống nắng liên tục có thể có tác dụng tiêu cực đối với một số người. Những người có làn da nhạy cảm vẫn có thể bị tia UV tác động ngay cả khi sử dụng kem chống nắng. Nhưng kem chống nắng không bảo vệ 100% khỏi tia UV. Ngoài ra, một số hợp chất hóa học được thêm vào trong kem chống nắng có thể có tác động tiêu cực đến làn da nhạy cảm.
Về vấn đề này, các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên có thể đạt được những lợi ích tương tự như các hợp chất tổng hợp. Trà xanh là một trong những sản phẩm như vậy. Trà xanh đã được mọi người trên thế giới biết đến và sử dụng rộng rãi vì những lợi ích mà nó mang lại. Cụ thể là trà xanh và EGCG cũng có thể làm giảm bảo vệ da khỏi ban đỏ, cháy nắng và tổn thương DNA. Đồng thời EGCG có thể hoạt động chống lại sự hình thành khối u da do tia UV gây ra.
4.2. Chống lão hóa da
Trà xanh bôi ngoài da hoặc uống đều cho kết quả giảm đáng kể giảm hình thành nếp nhăn, tăng sản sinh collagen. Phụ nữ Hàn Quốc sử dụng trà xanh bôi ngoài da, hai lần một ngày trong tám ngày liên tiếp, giảm hình thành vết chân chim ở đuôi mắt.
Ở lớp sừng, tất cả các catechin trà xanh đều là những chống oxy hóa rất mạnh.
Ở các lớp sâu hơn, các polyphenol trong trà có tác dụng làm chậm đáng kể các dấu hiệu lão hóa da.
Ở lớp hạ bì, những hợp chất này cải thiện vi tuần hoàn và tình trạng của mạch máu. Điều này giúp cung cấp dinh dưỡng và oxy cho da tốt hơn.
Hơn nữa, polyphenol có tác dụng bảo vệ tính bền vững vitamin C và axit hyaluronic (HA) không bị oxy hóa. Đây là một vấn đề quan trọng theo thẩm mỹ. Bởi vì vitamin C tham gia vào quá trình tổng hợp collagen ở da. HA tăng ‘ngậm’ nước ở da, giúp da căng bóng.
4.3. Giảm hội chứng sần da vỏ cam (cellulite) ở phụ nữ
Sần da vỏ cam – Cellulite là một tình trạng điển hình của phụ nữ, chủ yếu xuất hiện trên đùi và mông. Đây là một rối loạn phức tạp liên quan đến lớp mỡ thừa dưới da, hệ thống vi tuần hoàn và bạch huyết. Lượng mỡ thừa dưới da làm cho da không mịn mà sần sùi giống như vỏ cam. Thường gặp ở các chị em ở tuổi trung niên, khiến chị em kém tự tin về ngoại hình.
Trà xanh đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất mỹ phẩm chống cellulite. Trong đó, chất chính — caffeine, polyphenol, catechin đều giúp kích thích vi tuần hoàn trong da. Từ đó cải thiện quá trình oxy hóa tế bào, tăng tốc độ đốt cháy chất béo trong tế bào da, và thải chúng ra ngoài. Làn da trở nên mịn màng hơn.
4.4. Thon gọn vóc dáng
Không chỉ giúp giảm tình trạng sần da vỏ cam mà trà xanh còn giúp giảm mỡ thừa dưới da, giúp thon dọn vóc dáng. Trà xanh giúp tăng tốc độ phân giải mỡ, giúp giảm độ dày lớp mỡ, giảm số lượng tế bào mỡ đáng kể. Nghiên cứu dùng trà xanh bôi ngoài da làm giảm chu vi vòng đùi, bắp tay từ tuần thứ 6. Không có tác dụng phụ nào đáng kể được ghi nhận.
Uống trà xanh hay bôi các chiết xuất từ trà đều có tác dụng giảm trọng lượng và giảm hàm lượng mô mỡ. Hơn 24 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng được thực hiện trên bệnh nhân béo phì, cho thấy rằng sử dụng 600 – 900 mg polyphenol trong trà mỗi ngày (tương đương với 3 – 4 tách trà xanh) làm giảm đáng kể tổng lượng mỡ bụng, giảm triglyceride huyết thanh, tăng tiêu hao năng lượng, tăng oxy hóa chất béo và cải thiện sự bài tiết lipid trong phân. Kết quả là giảm cân đáng kể, giảm mô mỡ ở da và gan.
4.5. Trà xanh giúp chống oxy hóa
Các phản ứng stress oxy hóa làm tổn thương các tế bào trong cơ thể. Sử dụng các chất chống oxy hóa giúp loại bỏ gốc tự do và bảo vệ cơ thể. Trong trà xanh có chứa lượng lớn các chất chống oxy hóa rất mạnh.
- Polyphenol trong trà xanh có tác dụng chống oxy hóa, quét dọn toàn bộ gốc tự do. Trà xanh giúp bảo vệ mạch máu, chống tăng huyết áp, chống viêm, chống xơ vữa mạch máu, chống hình thành huyết khối và giảm mỡ. Do đó bảo vệ, chống lại các bệnh tim mạch.
- Sử dụng trà xanh trong chế độ ăn uống còn giúp kéo dài tuổi thọ.
- Tiêu thụ trà làm giảm hoạt động của các kim loại độc hại như cadmium và chì bên trong cơ thể.
- Chiết xuất trà xanh và EGCG khi kết hợp có thể bảo vệ các tế bào sinh sản khỏi stress oxy hóa. Trong môi trường lưu trữ tinh trùng giúp làm tăng khả năng sống của tinh trùng. Trong môi trường nuôi cấy ở bò cho thấy tăng tỷ lệ mang thai và phát triển phôi thai.
- Trà xanh giúp giảm các tổn thương tế bào do khói thuốc lá gây ra. Sử dụng 4 tách trà xanh mỗi ngày trong 4 tháng làm giảm 31% chất độc hại ở người hút thuốc từ 18 tuổi đến 79 tuổi.
4.6. Ngăn ngừa một số khối u, ung thư
Tế bào ung thư sử dụng cơ chế tự động để bảo vệ mình khỏi các điều kiện khắc nghiệt và tăng khả năng sống sót của chúng trong quá trình hóa trị và bức xạ ion hóa. Trong một nghiên cứu gần đây, EGCG được kết hợp với điện trường xung cường độ thấp (PEF) và sóng siêu âm năng lượng thấp (Mỹ) là một phương pháp mới để điều trị ung thư.
Cụ thể, sử dụng trà xanh mỗi ngày giúp làm chậm phát triển các tế bào ung thư tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tế bào gan HepG2.
4.7. Bảo vệ thần kinh của trà xanh
Bộ não của con người tiêu thụ khoảng 20% lượng oxy hít vào. Nhưng khả năng dọn các gốc tự do của não ít hơn so với các cơ quan khác. Điều này làm tăng rối loạn tế bào và sớm hình thành các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Các polyphenol trong trà xanh là chất loại bỏ trực tiếp các gốc tự do như đã nói trên.
- Uống trà xanh mỗi ngày giúp làm chậm lại tiến triển bệnh, ngăn chặn suy giảm trí nhớ và tổn thương ở vùng hải mã trong bệnh Alzheimer. Hiệu quả này của trà xanh hiệu quả tốt hơn trà đen và ô long. Điều này có thể là do nồng độ cao của EGCG trong trà xanh.
- Các polyphenol trong trà xanh có thể làm giảm tổn thương tế bào thần kinh vận động, cải thiện các chức năng vận động của não trong bệnh Parkinson.
- Một nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc với các đối tượng trên 65 tuổi vào năm 2015 cho thấy rằng tiêu thụ trà làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu khác được thực hiện với 215 đối tượng cho rằng uống trà thường xuyên có thể làm giảm mức độ bệnh Parkinson.
4.8. Chống hình thành huyết khối
Theo tác giả Lee, EGCG catechin chính trong trà xanh giúp ức chế đáng kể việc sản xuất cyclooxygenase (COX) -1 và thromboxane synthase (TXAS) trong tiểu cầu. Đây là hai loại enzyme chính chịu trách nhiệm kết tập tiểu cầu. Điều đáng nói là trong trường hợp của EGCG tác dụng này thậm chí còn mạnh hơn so với aspirin (thường được sử dụng để ức chế kết tập tiểu cầu liên quan đến bệnh huyết khối).
4.9. Cải thiện tình trạng tóc
Các chế phẩm mỹ phẩm có chiết xuất từ trà được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân rụng tóc nội tiết tố và rụng tóc không phân biệt giới tính.
Trong một số nghiên cứu, polyphenol trong trà, tinh dầu trà xanh và caffeine trong lá trà có tác dụng kích thích chân tóc và kéo dài giai đoạn phát triển của tóc (giai đoạn anagen). Các hợp chất giúp cải thiện vi tuần hoàn nuôi dưỡng chân tóc, ức chế 5α-reductase trong hói đầu nam giới.
Vì vậy, các thành phần của trà xanh là thành phần quan trọng của mỹ phẩm chăm sóc tóc và da đầu. Đặc biệt được khuyên dùng cho những người có mái tóc quá nhờn và nhiều gàu.
Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu này liên quan đến chiết xuất trà xanh. Do đó cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về ứng dụng của trà đen, trà trắng hoặc trà ô long.
5. Ứng dụng trà xanh trong cuộc sống
5.1. Trong ăn uống hàng ngày
Bạn có thể pha lá trà xanh tươi, khô, hoặc bột trà xanh (matcha) để uống hàng ngày vào mỗi buổi sáng, chiều. Tùy theo thói quen, loại trà, cách chế biến mà bạn có thể sử dụng số lượng khác nhau. Nên dùng từ 3 – 5 ly mỗi ngày (720 đến 1.200 mL).
Bạn cũng có thể sử dụng trong nấu nướng hàng ngày như làm bánh kẹo ngọt, kho cá với nước chè,… Người Nhật còn sử dụng trà matcha như một loại canh, ăn cùng cơm hàng ngày.
5.2. Sử dụng cho da và tóc
Bạn có thể rửa mặt hàng ngày với nước trà xanh, thậm chí có thể tắm toàn thân được. Bên cạnh những tác dụng với làn da kể trên thì tannin (chất gây vị chát) trong trà còn giúp se miệng vết thương, giảm vi khuẩn gây mụn. Bạn nên dùng nước trà pha loãng, bởi màu vàng của trà đậm có thể bám chặt vào da gây mất thẩm mỹ.
Bạn cũng có thể sử dụng nước chè xanh để gội đầu nếu bạn có mái tóc dầu, nhiều gàu, thường xuyên gãy rụng. Hãy bôi lượng nước chè vừa đủ lên da dầu, mát xa trong 5 – 10 phút sau đó gội sạch như bình thường.
5.3. Trong mỹ phẩm
- Ngày nay, rất nhiều hãng mỹ phẩm khác nhau sử dụng chiết xuất trà xanh là thành phần chính trong sản phẩm của họ. Bởi lẽ những lợi ích với làn da, mái tóc, vóc dáng mà chúng tôi đã liệt kê ở trên.
- Các công ty dược phẩm cũng sử dụng chiết xuất trà xanh, hoặc các hợp chất như EGCG để sản xuất thành các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
- Tinh dầu trà xanh cũng được sử dụng rộng rãi trong trị liệu hương thơm, nước hoa, nến thơm và các sản phẩm khử mùi, … Trà xanh đã trở thành mùi hương yêu thích của nhiều người.
- Nếu có nhu cầu sử dụng, bạn có thể tìm các nhãn thành phần ghi Green tea, black tea, hoặc Camellia sinensis, …
6. Lưu ý khi sử dụng trà xanh
Một điều quan trọng bạn cần phải cân nhắc là “tự nhiên” không phải lúc nào cũng “an toàn”. Vì vậy có những lưu ý khi sử dụng trà xanh và các sản phẩm từ trà mỗi ngày.
- Không uống trà lúc bụng đang đói, đặc biệt người có bệnh lý dạ dày. Trà có thể gây rối loạn tiêu hóa, cồn cào, buồn nôn, nôn, …
- Uống lượng trà xanh lớn hơn khuyến cáo có thể gây độc cho gan. Những người đang suy gan cần thận trọng khi sử dụng.
- Các dữ liệu sử dụng trà ở phụ nữ có thai còn hạn chế. Tuy nhiên, trong trà xanh có chứa caffeine. FDA khuyên những người đang hoặc có thể mang thai nên tránh dùng caffeine. Thận trọng khi sử dụng chúng cho phụ nữ có thai, cho con bú và những người mẫn cảm.
- Trà xanh và một số thành phần chính có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng chúng với các loại thuốc điều trị. Thông thường, bạn nên uống trà cách xa bữa ăn và thời điểm uống thuốc.
- Tannin trong trà xanh có thể ức chế hấp thu sắt ở người. Nếu bạn đang có nhu cầu sắt cao như đang mang thai, trong chu kỳ kinh nguyệt, … thì không nên sử dụng trà xanh.
7. Kết luận
Trên đây là những lợi ích của trà xanh đối với sức khỏe, đời sống hàng ngày. Bạn đọc quan tâm đến tinh dầu chiết xuất từ trà xanh thì có thể truy cập vào trang web của Ora. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể, tận tình.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi. 2004. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6412948/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29575316/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6930595/